Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

BaoHiemHealthCare.com: Một người bệnh, cả nhà rối loạn tâm thần

Khi gia đình có người mang bệnh nặng, vì phải tập trung tất cả nguồn lực cho người bệnh cùng nhiều áp lực khác, thân nhân của họ dễ mắc các bệnh tâm thần.

Rối loạn tâm thần

BV Tâm thần TPHCM vừa tiếp nhận bốn thành viên trong một gia đình mắc các chứng rối loạn về tâm thần. Nguyên nhân khởi điểm là từ cậu con út 5 tuổi bị chứng rối loạn cảm xúc.

Do gánh nặng kinh tế, người nghèo dễ bị rối loạn tâm thần khi có người thân mắc bệnh
Do gánh nặng kinh tế, người nghèo dễ bị rối loạn tâm thần
khi có người thân mắc bệnh
BS Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVTâm thần TPHCM giải thích, do bệnh nhi không hòa đồng với bạn bè, hung hăng và có biểu hiện tâm thần nên cha của cháu cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp, hàng xóm. Riêng mẹ cháu, sau nhiều ngày buồn bã cũng rơi vào trạng thái trầm cảm, còn cậu anh trai thì có biểu hiện bực bội, lo âu. Các bác sĩ cho biết, trường hợp nhiều thành viên mắc các chứng rối loạn tâm thần như trên là khá phổ biến.

Khảo sát “Phản ứng tâm lý của 158 cha mẹ khi con bị rối loạn tâm thần” mới đây của BS Lê Thị Hồng Nhung, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý y học, Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM, cho thấy, khi nghe con mắc các bệnh nặng, mạn tính như: loạn thần, chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, rối loạn cảm xúc… hầu hết cha mẹ đều có phản ứng tâm lý tiêu cực như: sốc, không tin vào sự thật và luôn phủ nhận bệnh của con. Còn với những trường hợp chấp nhận sự thật con mắc bệnh thì họ lại đau khổ, dằn vặt dẫn đến trầm cảm. Cũng có những bà mẹ lại mặc cảm tội lỗi, đổ lỗi cho bản thân vì nghĩ do “nghiệp chướng hoặc quả báo” của gia đình nên có ý định tự tử.

Mới đây hai BV nhi đồng tại TPHCM đã phối hợp tìm hiểu “Thái độ của cha mẹ khi được thông báo trẻ bị nhiễm HIV/AIDS” cho thấy, 14 người cha khi được báo tin con bệnh đã có biểu hiện lo lắng và có hai người rơi vào trạng thái hốt hoảng. Trong số 35 bà mẹ được báo tin thì có đến 19 trường hợp hết sức hốt hoảng và có bốn người định tự tử. Một số bà mẹ có cảm giác tội lỗi với gia đình, với chồng con nên họ không muốn bất kỳ người thân nào trong gia đình biết con mình mắc bệnh.

“Thai phụ bực bội, cáu gắt cũng có thể khiến một số ông chồng và con của họ bị trầm cảm. Hay đơn giản, trẻ sơ sinh hay khóc về đêm, khiến những ông bố mất ngủ và khó chịu, nhất là người mới làm cha lần đầu. Từ đó, rất dễ dẫn đến trầm cảm. Theo các thống kê trên thế giới, trong khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 24% thì kéo theo người chồng bị trầm cảm cũng chiếm từ 5 - 10%”, BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, BV Từ Dũ TPHCM cho biết.

Thân nhân người bệnh chưa được quan tâm

BS Trần Duy Tâm nêu thực tế, trong gia đình có người mắc bệnh mạn tính sẽ “lôi kéo” đến 70% thành viên trong gia đình bị rối loạn stress, lo âu, trầm cảm kèm theo. Tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sẽ gấp đôi nam giới và những gia đình nghèo khó sẽ dễ mắc bệnh hơn gia đình khá giả vì họ lo lắng về nguồn tài chính chữa bệnh, bỏ công ăn việc làm chăm sóc người thân.

Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh tâm thần sẽ tăng ở những gia đình vốn ít dành thời gian để chia sẻ những khó khăn cùng nhau. Và nếu lo lắng, căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến những rối loạn chuyển hóa và suy nhược cơ thể. Với những người đã mắc bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tim mạch, khi gặp thêm cú sốc người thân bị bệnh thì bệnh của họ sẽ nặng hơn.

Riêng bệnh nhân bị ung thư, khi nghe thông tin xấu sẽ khiến cơ thể sa sút, suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho khối u di căn nhanh hơn. Nếu như ở người bình thường bị rối loạn lo âu chiếm 5% thì tỷ lệ này cao gấp 10 lần ở người mắc bệnh ung thư. Còn với thai phụ, quá trình mang thai là thời kỳ dễ xảy ra nhiều biến đổi tâm - sinh lý. Do đó, nếu thai phụ gặp những cú sốc, rất dễ dẫn đến nguy cơ sẩy thai, sinh non.
Cần quan tâm đến tâm tư của người nhà bệnh nhân 
Cần quan tâm đến tâm tư của người nhà bệnh nhân
Theo BS Lê Thị Thu Hà, để vượt qua những khó khăn thời kỳ hậu sản, các ông chồng cần chuẩn bị thật tốt về mọi vấn đề như tài chính, kiến thức nuôi con nhỏ, biết cách chăm sóc bản thân và vợ con. Đồng thời, phải tham gia sinh hoạt tập thể, nghỉ ngơi đủ, tránh làm việc quá sức; nếu thấy mệt mỏi, mất ngủ thường xuyên, nên đi khám bệnh. Ngược lại, nếu các ông chồng gây căng thẳng trong gia đình thì thai phụ rất dễ trầm cảm. Một nghiên cứu gần đây của BV Từ Dũ TPHCM cho thấy, có đến 12,5% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sảy thai. Và nguyên nhân sẩy thai có liên quan đến kinh tế khó khăn, quan hệ vợ chồng diễn tiến xấu…
Các bác sĩ khuyến cáo, khi gia đình có người mắc bệnh mang tính đột ngột (ung thư, bại liệt…) hay những bệnh HIV/AIDS, tâm thần, nếu cảm thấy quá căng thẳng, các thành viên trong gia đình nên đến bác sĩ tâm thần để được tư vấn. Riêng bản thân người mắc bệnh phải được điều trị để tái hòa nhập cộng đồng, giúp cho những người thân trong gia đình đỡ âu lo, bớt cảm thấy mặc cảm. Thực tế, hiện nay, các bệnh viện tại Việt Nam chưa có bác sĩ tâm lý để trấn an, trợ giúp tinh thần cho thân nhân người bệnh. Thậm chí, họ rất khó khăn khi được gặp bác sĩ hỏi thăm về diễn tiến bệnh của người nhà.

BS Trần Duy Tâm cho biết, không ít bệnh nhân chới với khi người thân mắc bệnh nặng, họ đã tự tìm đến các phòng khám tư, bệnh viện tâm thần để được trấn an. Tuy nhiên, số lượng thân nhân bệnh nhân tự tìm đến bác sĩ để tư vấn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam ở giai đoạn đang phát triển, xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh tâm thần. Trong khi ở các nước, khi bệnh nhân nhập viện dù bệnh nhẹ, bệnh viện cũng sẽ tổ chức một ê kíp để tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình người bệnh nhằm “lên dây cót tinh thần”, tránh bị sốc nếu người bệnh khó vượt qua bệnh tật.

Theo Thanh Khê
Phụ nữ online