Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

BaoHiemHealthCare.com: Đột quỵ không “kỵ” tuổi tác!

Lâu nay, đột quỵ thường xảy ra với những người tuổi trên 50 nhưng nay bệnh đã tấn công vào những người trẻ tuổi hơn.

Mới đây, người nhà ông L.V.B (45 tuổi, ở quận Thủ Đức - TPHCM) bị một phen hú vía do ông vừa trải qua khoảnh khắc từ cõi chết trở về. Là người có tiền sử cao huyết áp, ông B. ý thức được tình trạng sức khỏe của mình nên thường chơi thể thao sau giờ làm việc.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì bị đột quỵ
Tuy vậy, trong một chiều đánh quần vợt bỗng dưng ông bị tăng huyết áp, mất kiểm soát vận động và ngã sõng soài ra sân. Khi được đưa đi cấp cứu, ông B. chỉ còn 1%-2% cơ hội cứu sống do mất “thời khắc vàng” vì đi lòng vòng không đúng chuyên khoa.

3 phút, 1 người chết

Dù vậy, “còn nước còn tát”, chạy đua cùng thời gian, các bác sĩ (BS) đã cứu được ông B. sau khi đánh tan cục máu đông mạch máu não. Tuy nhiên, những di chứng sau tai biến như liệt cơ, méo miệng là khó tránh khỏi. Giờ đây, khả năng phục hồi của ông B. phụ thuộc vào ý chí của ông và tập vật lý trị liệu.


Anh N.H.C (20 tuổi, ngụ Long An) là một thanh niên khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch song mới đây khi vừa ngủ dậy, anh C. bỗng cảm thấy đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói rồi hôn mê. Anh C. được các BS Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) xác định bị nhồi máu não dẫn đến đột quỵ. Những trường hợp trẻ như anh C. bị đột quỵ hiện không còn hiếm.

Ghi nhận tại một số bệnh viện có chuyên khoa tai biến mạch máu não, đột quỵ ở TPHCM như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Nhân dân 115, Gia Định, Nguyễn Tri Phương…, số ca đột quỵ nhập viện điều trị không ngừng tăng. Theo BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, mỗi ngày khoa điều trị nội trú cho từ 130-160 bệnh nhân đột quỵ do tai biến mạch máu não, chưa kể số đến khám ngoại trú liên quan đến huyết áp, tim mạch.

BS Trần Chí Cường, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu (DSA) Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đột quỵ là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao đứng thứ ba sau ung thư và tim mạch hiện nay. Bệnh này xảy ra do nhồi máu não hoặc xuất huyết não.

Nhóm bệnh nhân bị nhồi máu não chiếm 80% do nghẽn hoặc hẹp mạch máu não; còn xuất huyết não do bệnh nhân bị tăng huyết áp, mắc các bệnh lý dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não. Y văn thế giới ghi nhận: Cứ 45 giây, toàn cầu có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 ca tử vong do bệnh này gây ra.

Người trẻ mắc bệnh gia tăng

Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị tai biến mạch máu não, làm gần 100.000 người tử vong. Đây là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, với tần suất xuất hiện 1,5 ca/1.000 người/năm. Còn tại TPHCM, trong khoảng 19.000 người mắc đột quỵ mỗi năm, có 1.000 trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế cho biết bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân là do lối sống lười vận động, lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá… Nếu khoảng 10 năm trước chỉ có khoảng 1,7% bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện vì đột quỵ thì nay con số này là 3%, trong đó tỉ lệ nam mắc bệnh cao gấp 4 lần nữ.

Theo BS Nguyễn Huy Thắng, trong số bệnh nhân đột quỵ nói trên, có 20 trường hợp tuổi dưới 40, đặc biệt có bệnh nhân chỉ mới 20 tuổi. Còn tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, theo ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, số người trẻ bị đột quỵ vào viện cũng tăng với tỉ lệ 20%-30% so với vài năm trước đây…

BS Trần Chí Cường cho hay đột quỵ xảy ra bất cứ lúc nào và không chừa ai, từ trẻ tuổi đến người lớn tuổi, nhà giàu đến người nghèo, lao động trí óc đến chân tay… Tại Bệnh viện Đại học Y Dược cũng từng tiếp nhận bé mới 3 tuần tuổi đến 3 tuổi mắc chứng này.

Các BS khuyến cáo cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ là phải được cấp cứu đúng “giờ vàng” (trong vòng 3 giờ). Tuy nhiên, đáng báo động là hiện nay Việt Nam đang thiếu các trung tâm đột quỵ chuyên sâu, làm cho cơ hội được cứu sống hoặc hạn chế di chứng cho bệnh nhân đột quỵ ít đi. Đó là chưa kể đến nạn kẹt xe làm cho việc chuyển bệnh nhân cấp cứu khó khăn.

“Tại Mỹ, các trung tâm đột quỵ mỗi ngày chỉ can thiệp khoảng 3-4 ca nhưng ở nước ta, chỉ riêng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã can thiệp cho từ 8-10 ca, như vậy mới thấy rằng một trung tâm đột quỵ chuyên sâu là quan trọng đến mức nào” - BS Cường nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Thạnh
Người lao động